Trong công việc, người nhân viên có 2 loại ý thức trách nhiệm là: Ý thức trách nhiệm với công việc và ý thức trách nhiệm với tổ chức.
1. Ý thức trách nhiệm với công việc
Trách nhiệm trong công việc của người nhân viên có được là nhờ họ ý thức được (trách nhiệm của mình trong công việc). Trách nhiệm của họ ở đây không phải chỉ là trách nhiệm với với cấp trên, với đồng nghiệp mà trước hết là trách nhiệm đối với chính bản thân mình. Sở dĩ như vậy là bởi vì họ ý thức được vai trò là người chủ công việc của chính mình. Mình chính là người chủ có quyền ra quyết định tham dự tổ chức này hay tổ chức khác, có quyền lựa chọn công việc này hay công việc khác. Tất cả đều là sự lựa chọn của mình cho nên mình phải có trách nhiệm đối với nó. Trách nhiệm ở đây là trách nhiệm với sự lựa chọn của mình, trách nhiệm với những gì mà mình đã cam kết. Hình ảnh về một người không giữ lời hứa, không giữ cam kết là một hình ảnh không đẹp, nếu không nói là rất xấu. Nếu mình không có trách nhiệm thì tức là mình đang làm tổn thương lòng tự trọng của chính mình, đang làm hình ảnh của mình xấu đi trước hết là trong mắt mình và sau đó là xấu đi trong mắt người khác. Đây chính là căn bản của vấn đề ý thức trách nhiệm với công việc.
Ảnh: Minh họa |
Khác với ý thức trách nhiệm với công việc là chỉ nhận trách nhiệm với những gì mình cam kết, ý thức trách nhiệm với tổ chức đạt đến mức độ trách nhiệm cao hơn. Đó là việc người nhân viên tự đặt ra cho mình trách nhiệm với cả những điều mình không cam kết. Có những sự việc không ai yêu cầu họ phải làm hay phải thực hiện, nhưng họ vẫn làm và tự thấy mình phải có trách nhiệm với những công việc đó. Những công việc đó thường là những sự hỗ trợ đồng nghiệp, đề ra những sáng kiến, ý kiến đóng góp cho cấp trên để công việc được tốt hơn. Những việc đó phát sinh khi người nhân viên không chỉ quan tâm đến kết quả trong phần việc của mình mà còn quan tâm đến kết quả chung của tổ chức, của công ty mình đang làm. Họ ý thức được sự gắn kết giữa quyền lợi cũng như lợi ích của tổ chức, của công ty với lợi ích của bản thân. Trong một số trường hợp, họ sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để bảo vệ lợi ích của công ty, vì họ thấy rõ bảo vệ lợi ích của công ty cũng chính là bảo vệ lợi ích cá nhân của mình. Họ thấy rõ đây chỉ là hy sinh cái nhỏ để bảo vệ cái lớn mà thôi.
Bên cạnh đó cũng lưu ý là cần phân biệt sự khác nhau trong việc đóng góp ý kiến cho đồng nghiệp, cấp trên.
Không phải mọi trường hợp đóng góp ý kiến cho đồng nghiệp, cấp trên đều bắt nguồn từ ý thức trách nhiệm với tổ chức, mà có nhiều trường hợp bắt nguồn từ sự chứng tỏ bản thân, từ cái TÔI của người nhân viên.
Với trường hợp có ý thức trách nhiệm với tổ chức thì người nhân viên trong khi hỗ trợ đồng nghiệp, đóng góp ý kiến cho cấp trên thì họ vẫn giữ được sự tôn trọng đối với đồng nghiệp, cấp trên và vẫn giữ được sự tôn trọng đối với quyền hạn của đồng nghiệp, của cấp trên. Họ luôn quan tâm đến việc giữ gìn sự hài lòng của đồng nghiệp, của cấp trên đối với mình và không có sự đòi hỏi đồng nghiệp, cấp trên phải đáp ứng lại mong muốn của mình, làm cho mình hài lòng. Ngoài ra họ quan tâm đến hiệu quả công việc, lợi ích của tổ chức mà không đặt nặng vấn đề cấp trên phải ghi nhận công lao của mình.
Với trường hợp đóng góp ý kiến cho đồng nghiệp, cấp trên để chứng tỏ bản thân thì người nhân viên quan tâm nhiều hơn đến sự ghi nhân công lao của cấp trên đối với mình mà thiếu sự quan tâm thật sự đến hiệu quả công việc, lợi ích của tổ chức, của cơ quan, đơn vị.
Với trường hợp đóng góp ý kiến cho đồng nghiệp, cấp trên vì cái Tôi thì người nhân viên không coi việc hỗ trợ đồng nghiệp hay đóng góp ý kiến cho cấp trên là trách nhiệm của mình mà họ coi đó là một cái quyền của mình. Do vậy khi hỗ trợ đồng nghiệp, đóng góp ý kiến cho cấp trên thì họ không giữ sự tôn trọng đối với đồng nghiệp, cấp trên và luôn xâm phạm đến quyền hạn của đồng nghiệp, của cấp trên. Họ không quan tâm đến việc giữ gìn sự hài lòng của đồng nghiệp, của cấp trên đối với mình mà luôn có sự đòi hỏi đồng nghiệp, cấp trên phải đáp ứng lại mong muốn của mình, làm cho mình hài lòng. Họ luôn muốn được làm theo ý mình chứ không làm theo ý của cấp trên. Họ luôn đòi hỏi cấp trên phải làm cho họ tâm phục, khẩu phục thì họ mới chịu làm theo sự chỉ đạo của cấp trên. Chính vì vậy họ dễ dàng phát sinh ra các cảm xúc tiêu cực, thái độ tiêu cực và hành vi tiêu cực trong công việc khi sự đòi hỏi của họ không được thoả mãn.
Chúng ta có thể dễ nhận thấy những dấu hiệu của ý thức trách nhiệm trong công việc
1. Những dấu hiệu ở thái độ, hành vi bên ngoài mà chúng ta có thể nhận biết về ý thức trách nhiệm của một người thông qua 6 dấu hiệu về thái độ và hành vi sau đây:
a. Tuân thủ nội quy, quy chế và các quy định của tổ chức
Là việc tuân thủ những tiêu chuẩn quy định hành vi cá nhân của lao động mà tổ chức xây dựng nên dựa trên những cơ sở pháp lý và các chuẩn mực đạo đức xã hội. Nó bao gồm các điều khoản quy định hành vi lao động trong lĩnh vực có liên quan đến thực hiện nhiệm vụ như số lượng, chất lượng công việc, an toàn vệ sinh lao động, giờ làm việc, giờ nghỉ ngơi, các hành vi vi phạm pháp luật lao động, các hình thức xử lý vi phạm kỷ luật…
b. Làm việc một cách tự giác
Là làm việc mà không cần phải chờ cấp trên giám sát, nhắc nhở, đôn đốc, thúc giục mới chịu làm. Chính mình tự giám sát mình, đôn đốc mình và thúc giục mình. Một trong những kết quả và cũng là dấu hiệu của làm việc tự giác là làm việc một cách tận tâm, cẩn thận, chu đáo và vẹn toàn.
c. Làm việc một cách chủ động, linh hoạt và sáng tạo
Là làm việc không theo một khuôn mẫu cứng nhắc mà biết ứng phó linh hoạt tùy theo tình huống, không chờ việc đến tay mới làm mà có những dự đoán trước, biết nhìn xa, trong rộng.
d. Luôn luôn nỗ lực hết sức mình để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cấp trên giao cho
e. Có tinh thần đóng góp ý kiến, đóng góp công sức cho cấp trên, đồng nghiệp một cách tự nguyện, tự giác nhằm góp phần xây dựng tổ chức ngày càng tốt đẹp hơn.
f. Có tinh thần hợp tác cao trong công việc với các thành viên khác trong tổ chức
g. Không đổ thừa hay đùn đẩy trách nhiệm qua cho người khác
2. Tình trạng tâm lý bên trong là những dấu hiệu thể hiện ở bên trong tâm lý bao gồm quan điểm, nhận thức, tình cảm, cảm xúc …của một người có ý thức trách nhiệm trong công việc
a. Cảm xúc tích cực
b. Không lấn quyền của cấp trên, đồng nghiệp từ trong tư tưởng
Như vậy, những dấu hiệu của ý thức trách nhiệm trong công việc bao gồm ở thái độ, hành vi bên ngoài lẫn tình trạng tâm lý bên trong của người nhân viên nói lên ý thức trách nhiệm đối với công việc và ý thức trách nhiệm đối với tổ chức. Hy vọng, mỗi một cán bộ, viên chức hãy thấu hiểu được những nội dung trên để góp phần vào hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình./.
Như vậy, những dấu hiệu của ý thức trách nhiệm trong công việc bao gồm ở thái độ, hành vi bên ngoài lẫn tình trạng tâm lý bên trong của người nhân viên nói lên ý thức trách nhiệm đối với công việc và ý thức trách nhiệm đối với tổ chức. Hy vọng, mỗi một cán bộ, viên chức hãy thấu hiểu được những nội dung trên để góp phần vào hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình./.
Kim Bảng-TTDS
0 nhận xét:
Đăng nhận xét