Xác định truyền thông, vận động là một trong những mũi nhọn của công tác Dân số - KHHGĐ. Để đa dạng hóa các kênh truyền thông về Dân số - KHHGĐ, trong thời gian qua Trung tâm Dân số- KHHGĐ huyện Hưng Nguyên đã chú trọng trang bị cho viên chức Dân số - KHHGĐ cấp xã, thị trấn các kỹ năng viết tin, bài tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác Dân số - KHHGĐ đến với mọi người dân.
Lương Thị Quỳnh - Ban TTGD-TTDS, Ảnh KB |
Trong bài viết này, chúng tôi xin trân trọng cung cấp một số kiến thức cơ bản về kĩ năng viết tin tổng hợp phản ánh công tác Dân số - KHHGĐ trên phương tiện truyền thông đại chúng.
1. Đặc điểm của tin tổng hợp
Tin tổng hợp là dạng tin tóm tắt, tái hiện, hệ thống lại những sự kiện quan trọng, tiêu biểu về các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Được dùng khi đồng thời thông báo về hàng loạt những sự việc, sự kiện có tầm quan trọng ngang nhau, có quan hệ và có ý nghĩa với nhiều người. Dạng tin này được sử dụng rộng rãi đáp ứng nhu cầu khách quan của công chúng về thông tin.Người làm tin tổng hợp phải có năng lực lựa chọn, phân tích tổng hợp và bố cục làm cho sự kiện thực sự có ý nghĩa và lôi cuốn người đọc.
Ví dụ: thông tin về hoạt động của ban Dân số- KHHGĐ xã, thị trấn triển khai trong một tháng; thông tin về chuỗi hoạt động của ngành Dân số- KHHGĐ nhân ngày Dân số Việt Nam 26/ 12; ngày Dân số Thế giới 11/7. Nhân một đợt thi đua sôi nổi...
Tin bài phải thể hiện được tính trung thực, nêu rõ được tóm tắt sự kiện có tính thuyết phục người nghe và người đọc.
2. Kỹ năng viết tin tổng hợp
Để có thể viết được một tin tổng hợp, cần tiến hành theo các bước như sau:
1. Lựa chọn sự kiện
Đây là bước quan trọng đầu tiên. Một sự kiện được lựa chọn để viết tin tổng hợp phải đáp ứng được những yêu cầu sau đây: Sự việc, sự kiện phải là sự thật, có thời gian xác định, có địa chỉ cụ thể, mới xảy ra, sự kiện tiêu biểu.
Người viết phải đặt ra các câu hỏi là: Viết cho ai? Viết về những sự việc, sự kiện gì? Xảy ra ở đâu? Xảy ra khi nào? Xảy ra như thế nào? Tại sao nó lại xảy ra?Kết quả của những sự việc, sự kiện đó ra sao?
2. Viết tin
- Nội dung của tin tổng hợp phải đảm bảo được những yêu cầu về tính thời sự, tính chính xác và tính định hướng trực tiếp của những thông tin phản ánh.
+Yêu cầu về tính thời sự đòi hỏi thông tin phản ánh phải kịp thời. Đó là những sự việc, sự kiện, con người, hoàn cảnh, tình huống...vừa mới xảy ra, đang xảy ra, chắc chắn sẽ xảy ra.
+Yêu cầu về tính chính xác đòi hỏi phải phản ánh sự thật một cách chính xác, có địa điểm, có nhân chứng và thời gian, không gian cụ thể. Tuyệt đối không được bịa đặt hoặc thêm bớt một cách tuỳ tiện trong quá trình thông tin.
+ Yêu cầu về tính định hướng: đòi hỏi người viết phải thể hiện một thái độ và lập trường rõ ràng trong bài viết. Lập trường này dựa trên cơ sở là chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác Dân số - KHHGĐ.
- Hình thức của một tin tổng hợp phải đảm bảo chính xác, ngắn gọn; ngôn ngữ gần với đời sống. Đó là lối viết để thông báo kịp thời về những điều đã xẩy ra, vừa mới xảy ra, đang xảy ra.
3. Đặt đầu đề cho tin
Đầu đề tin có một tầm quan trọng đặc biệt chứa thông điệp cốt lõi, chủ yếu nhất. Nó là sự nhắc lại và bổ sung hoàn chỉnh nội dung của tin. Đầu đề của tin phải chứa đựng những thông tin cốt lõi nhất chứa đựng 3 yếu tố chính là: Ai? Cái gì? Khi nào?
- Đầu đề là sự biểu đạt cô đọng nội dung, thể hiện bản chất, tư tưởng chính trị, là yếu tố tiếp xúc đầu tiên giữa tác phẩm với công chúng. Việc đặt đầu đề có tính quyết định số phận của bài viết. Có khi chỉ cần đọc đầu đề, người ta cũng đã có thể nắm bắt được phần nội dung quan trọng nhất, chủ yếu nhất của bài viết.
- Đầu đề không thể làm nên giá trị của toàn bộ tin nhưng nó là yếu tố đầu tiên thu hút sự quan tâm của người đọc để họ tự quyết định xem có cần phải đọc cả nội dung bài hay không?
- Cần chú ý tránh cách đặt đầu đề chung chung, tránh đặt bằng những lời bình thô thiển, những lời lăng mạ hoặc lối đặt đầu đề bằng câu nghi vấn rất dễ tạo nên hiểu lầm. Ngoài ra, khi đặt đầu đề cần tránh một số lỗi thường gặp sau đây:
+Không nên dùng những từ lặp lại nhiều lần .
+Không bê nguyên xi một câu trong bài để làm đầu đề.
+Tránh dùng câu mập mờ nhiều nghĩa.
+Tránh những từ ngữ văn hoa sáo rỗng .
+Không bông lơn, đùa cợt bằng đầu đề .
4. Ảnh tin
Mỗi bài viết nên có ít nhất là một tấm ảnh minh họa sự kiện nổi bật nhất trong tin tổng hợp thì mới có tính thuyết phục. Các tấm ảnh có ghi chú cụ thể, người cung cấp ảnh và phải đáp ứng được những yêu cầu về bố cục, ánh sáng, góc độ… và phải bổ sung thông tin cho bài viết. Khi viết tin có ảnh đăng kèm cần chú ý: Phần lời của dạng Tin kèm ảnh thường rất ngắn gọn. Lời và ảnh thống nhất với nhau, bổ sung cho nhau trong việc phản ánh về sự kiện một cách đầy đủ và chính xác.
- Một tấm ảnh đăng kèm tin phải đáp ứng được một số yêu cầu sau đây:
+ Có nội dung, chủ đề, ý nghĩa rõ ràng.
+ Có giá trị thông tin thời sự.
+ Phản ánh được khía cạnh tiêu biểu của sự kiện.
Kỹ năng viết tin bài tổng hợp phản ánh công tác Dân số- KHHGĐ trên phương tiện truyền thông đại chúng là một trong những kĩ năng quan trọng mà cán bộ Dân số- KHGĐ cần quan tâm và rèn luyện. Đây cũng là một phương pháp làm truyền thông hiệu quả và cần phát huy.
Lương Quỳnh
Trung tâm Dân số- KHHGĐ Hưng Nguyên
0 nhận xét:
Đăng nhận xét