Thực hiện kế hoạch số 14 /BC-TTDS ngày 03/06 /2014 của Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Hưng Nguyên; kế hoạch số 19/KH-UBND.DS ngày 05/6/2014 của UBND xã Hưng Lợi về nhiệm vụ trọng tâm công tác Dân số -KHHGĐ tháng 6  năm 2014, Ban chỉ đạo thực hiện công tác Dân số - KHHGĐ xã Hưng Lợi đã xây dựng kế hoạch tháng 6 và triển khai thực hiện:
Chiều ngày 06/6/2014, Ban Dân số - KHHGĐ xã tổ chức giao ban cộng tác viên Dân số - KHHGĐ 9 xóm, tại buổi giao ban đồng chí Ngô Thị Thoàn, viên chức Dân số - KHHGĐ xã đánh giá kết quả các hoạt động về công tác Dân số - KHHGĐ đạt được trong tháng 5 và triển khai nhiệm vụ tháng 6 năm 2014.
 Viên chức Dân số - KHHGĐ xã tham gia nhập biến động của xã vào kho dữ liệu điện tử trong tháng 6/2014 tại Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Hưng Nguyên  vào ngày 09/6/2014 và tham gia lớp tập huấn tại Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh về nâng cao nghiệp vụ truyền thông về đề án “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh” ngày 10/6/2014.
Ngày 15/6/2014, phối hợp với Ban Tư pháp xử lý kịp thời  gia đình anh Trần Văn Phú và Chị Trần Thị Châu ở xóm 1 và gia đình anh Ngô Văn Linh và chị Nguyễn Thị Thúy Vân ở xóm 7 vi phạm chính sách Dân số - KHHGĐ. Tính đến hết tháng 6, trên địa bàn xã Hưng Lợi có 7 trường hợp vi phạm và có dấu hiệu vi phạm, gồm 3 trường hợp đã sinh và 4 trường hợp đang mang thai, trong đó có 2 Đảng viên. Ban chỉ đạo thực hiện công tác Dân số - KHHGĐ xã đã tham mưu cho UBND xã lập biên bản 7/7 trường hợp và đã thu nộp 2.400.000 tiền xử lý vi phạm của 3 trường hợp đã sinh vào quỹ Dân số - KHHGĐ xã.
Tư vấn hộ cho phụ nữ mang thai.
    Ngoài ra, trong tháng 6 Ban Dân số - KHHGĐ xã đã đẩy mạnh thực hiện các hoạt động khác như: tư vấn tại hộ gia đình về các biện pháp tránh thai; tiếp thị xã hội; vận động các cặp vợ chồng chưa ký cam kết ở xóm 1, xóm 3, xóm 5 ký cam kết không sinh con thứ 3 trở lên; tư vấn trực tiếp cho từng đối tượng dự kiến sinh trong tháng 6 năm 2014 về lợi ích của đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh; phát thanh 4 bài truyền thông vào thứ 5 hàng tuần nhằm tuyên truyền và cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin cho toàn thể nhân dân, viết 4 bài tuyền thông tuyên truyền tháng 7 năm 2014.
Tham mưu xong với BTV Đảng ủy  báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-TU ngày 26/6/2009 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về “ Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác Dân số-KHHGĐ trong tình hình mới”.
Sáng ngày 20/6/2014 tại hội trường Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Hưng Nguyên Viên chức Dân số xã Hưng Lợi đã tham gia hội thi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ công tác Dân số - KHHGĐ năm 2014 với nội dung soạn thảo văn bản nhằm nâng cao kiến thức cho đội ngũ viên chức cấp xã.
 Thu thập, tổng hợp số liệu về Dân số - KHHGĐ thực hiện báo cáo thống kê chuyên ngành và các loại báo cáo khác theo quy định .
Dưới sự chỉ đạo của Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện, sự phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, Ban Dân số - KHHGĐ xã đã tập trung hoàn thành kế hoạch nhiệm vụ về công tác Dân số - KHHGĐ trên địa bàn xã./.
Ngô Thị Thoàn
Viên chức Dân số-KHHGĐ xã Hưng Lợi 
Để đạt được mục tiêu đề ra về công tác Dân số - KHHGĐ trong năm 2014. Ban Dân số - KHHGĐ xã tích cực triển khai và thực hiện các hoạt động từng tháng. Trong tháng 6 năm 2014 Ban Dân số - KHHGĐ xã Hưng Xuân đã triển khai các họat động và kết quả đạt được như sau:
 Ngay từ đầu tháng, Ban Dân số  KHHGĐ xã đã xây dựng nhiệm vụ trọng tâm trong tháng cụ thể và lên lịch công tác từng ngày trong tháng.
Chiều ngày 06 tháng 6 năm 2014, Ban Dân số - KHHGĐ xã tổ chức họp Ban chỉ đạo thực hiện công tác Dân số - KHHGĐ xã. Về tham dự cuộc họp có đồng chí Nguyễn Kim Bảng - Giám đốc và bà Hồ Thị Thanh Phúc cán bộ phòng Hành chính - Tổng hợp Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện; cùng 10 đồng trong Ban chỉ đạo thực hiện công tác Dân số - KHHGĐ và 10 cộng tác viên 10 xóm.  Với nội dung: Thông qua quyết định số 18/QĐ-CCDS của Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh Nghệ An về việc chấm dứt hợp đồng đối với viên chức Dân số - KHHGĐ xã Hưng Xuân, do không hoàn thành nhiệm vụ được giao, bàn giao công việc trước ngày 30/5/2014 và Công văn của Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện về việc cử cán bộ phụ trách công tác Dân số - KHHGĐ xã Hưng Xuân trong khi chờ tỉnh tuyển dụng mới. Cuộc họp cũng đã được nghe các ý kiến phát biểu của đồng chí Nguyễn Kim Bảng Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện và  ý kiến  thành viên ban chỉ đạo về công tác Dân số -KHHGĐ xã Hưng Xuân - Vào chiều cùng ngày Ban Dân số - KHHGĐ xã đã tiến hành họp cộng tác viên Dân số - KHHGĐ xóm.
Ngày 10/6/2014, đồng chí phụ trách công tác Dân số - KHHGĐ xã nhập dữ liệu dân cư vào kho điện tử tại Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện đảm bảo chính xác, kịp thời.
Tối ngày 19 tháng 6 câu lạc bộ Dân số - KHHGĐ xóm 3 tổ hức sinh hoạt định kỳ với nội dung “ Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh và đề án Mất cân bằng giới tính khi sinh” tham dự sinh hoạt có các đồng chí Bí thư, xóm trưởng và 25 hội viên của câu lạc bộ.
Chị Nguyễn Thị Vân,Nữ hộ sinh trạm y tế  đang lấy mẫu máu gót chân cho trẻ ở xóm 9 xã Hưng Xuân.


Sáng ngày 26 tháng 6 năm 2014 đồng chí Ngô Thị Tuyên, cán bộ của Trung tâm dân số-KHHGĐ huyện trách công tác Dân số - KHHGĐ xã và đồng chí Nguyễn Thị Vân Nữ hộ sinh Trạm y tế xã Hưng Xuân tư vấn và thực hiện lấy mẫu máu gót chân để xét nghiệm cho con chị Trần Thị Toàn ở xóm 9 xã Hưng Xuân.
Bên cạnh đó trong tháng 6 năm 2014, Ban Dân số - KHHGĐ xã phối hợp với Ban văn hóa  phát thanh  4 bài truyền thông vào thứ 5 hàng tuần. Viết 5 bài phát thanh trong tháng 7 năm 2014 và viết 2 tin bài trên trang Dân số Hưng Nguyên. Rà soát số liệu mang thai, đã sinh  6 tháng đầu năm 2014. Tư vấn 7 cặp vợ chồng ký cam kết theo Quyết định 76 của UBND tỉnh. Cộng tác viên Dân số - KHHGĐ xóm tư vấn 16 hộ gia đình đồng thời tổng hợp số liệu đầy đủ và báo cáo kịp thời
Tuy trong điều kiện xã chưa chỉ đạo thực hiện được công tác bàn giao, nhưng việc thực hiện nhiệm vụ Dân số-KHHGĐ trên địa bàn xã vẫn được tiến hành đúng kế hoạch đề ra./.
Tin và ảnh: Ngô Thị Tuyên

Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện 
Thực hiện kế hoạch của Trung tâm Dân số- KHHGĐ huyện Hưng Nguyên về việc đánh giá công tác tháng 5 triển khai nhiệm vụ tháng 6 năm 2014, Ban Dân số- KHHGĐ xã Hưng Lam đã xây dựng kế hoạch và thực hiện đạt một số kết quả như sau:
Trưởng đài truyền thanh xã Hưng Lam đang đọc bài phát thanh về công tác dân số - KHHGĐ
 Ban chỉ đạo thực hiện công tác Dân số- KHHGĐ triển khai một số hoạt động cụ thể: chỉ đạo các câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt đúng lịch; Phối hợp với Ban Văn hóa xã phát các tin bài có nội dung về Dân số- KHHGĐ vào thứ 5 hàng tuần; Phối hợp với trạm y tế để tư vấn cho đối tượng phụ nữ mang thai nuôi con nhỏ và lấy được 2 mẫu máu gót chân ở trẻ; Phối hợp Ban Tư pháp xã xử lý 1 trường hợp vi phạm chính sách Dân số-KHHGĐ, đến nay đã lập biên bản xử lý 4/4 trường hợp vi phạm chính sách Dân số-KHHGĐ.
Giao ban CTV Dan so xã Hưng Lam
Chiều ngày 06/6/2014 tổ chức giao ban cộng tác viên Dân số - KHHGĐ 10 xóm, tại buổi giao ban, đồng chí Nguyễn Thị Vân, viên chức Dân số - KHHGĐ đánh giá kết quả hoạt động công tác Dân số tháng 5 triển khai nhiệm vụ tháng 6 năm 2014.
Cập nhật các thông tin biến động về sinh, tử, đi, đến, trong tháng vào kho dữ liệu điện tử,  tại hội trường Trung tâm Dân số Huyện ngày 10/6/2014
Viên chức Dân số-KHHGĐ nhập TT biến động tại huyện.
Ngoài ra, còn thực hiện một số nhiệm vụ chuyên môn khác như: thu thập, tổng hợp số liệu, thực hiện các báo cáo thống kê chuyên ngành, xây dựng kế hoạch 11/7, làm báo cáo đánh giá thực hiện công tác Dân số- KHHGĐ xã 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014 .
Với sự quan tâm chỉ đạo của Trung tâm Dân số- KHHGĐ huyện cũng như của Đảng ủy, UBND xã, sự phối hợp giữa các ban nghành đoàn thể, công tác Dân số - KHHGĐ xã Hưng Lam sẽ đạt được kết quả tốt trong thời gian tới./.
Nguyễn Thị Vân
Viên chức Dân số- KHHGĐ xã Hưng Lam
Hưng Yên Namlà xã có địa bàn rộng, dân số đông với 1565 hộ có  6.614 khẩu. Có trên 68,6% đồng bào theo đạo Thiên chúa (trong đó có 9 xóm và 1 khu dân cư là giáo toàn tòng). Tình trạng sinh và sinh con thứ 3 trở lên hàng năm vẫn còn cao. Tính đến cuối năm 2013 xã Hưng Yên Nam tổng số trẻ sinh ra là 102 cháu trong đó cón thứ 3 trở lên là 43 cháu. 6 tháng đầu năm 2014 số trẻ sinh ra con thứ 3 trở lên là 26/53 cháu chiếm tỷ lệ 49,05 %. Mặc dù chính quyền và Ban Dân số -    KHHGĐ xã đã có nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền, vận động nhưng một bộ phận người dân vẫn chưa nhận thức được hậu quả của việc sinh nhiều con. Đặc biệt chưa xử lý vi phạm chính sách Dân số - KHHGĐ được trường hợp nào. Nếu không có giải pháp khắc phục kịp thời tình hình này thì không những không đạt chỉ tiêu đề ra mà còn có nguy cơ phá vỡ những thành quả về công tác Dân số đã đạt được, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian tới, cần có những giải pháp thiết thực, vững chắc để làm tốt công tác Dân số -KHHGĐ nói chung và hạn chế việc sinh con thứ 3 nói riêng thật hiệu quả như:
1. Cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, Chính quyền và sự phối hợp của các ban nghành đoàn thể trong việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chính sách Dân số - KHHGĐ theo Quyết định 76/QĐ-UBND, ngày 19/10/2012 của UBND tỉnh Nghệ An.
2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách Dân số -KHHGĐ bằng cách: Ban chỉ đạo công tác Dân số - KHHGĐ xã xây dựng kế hoạch hoạt động truyền thông từ đầu năm một cách thật cụ thể.  Nên chủ trì trong việc phối kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức sát thực, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Phối hợp triển khai hoạt động, đưa tiêu chí Dân số - KHHGĐ vào hương ước, quy ước của các làng, khối, xóm. Phối hợp với Đài truyền thanh xã để kịp thời đưa tin phản ánh các hoạt động về công tác Dân số - KHHGĐ, nâng cao chất lượng, thời lượng các chuyên đề, phóng sự tuyên truyền phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác Dân số -KHHGĐ, các gương điển hình thực hiện tốt công tác Dân số - KHHGĐ.
Hy vọng rằng với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác Dân số-KHHGĐ từ xã đến xóm xã Hưng yên Nam, và sự phối hợp nhiệt tình của các ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, vấn đề sinh con thứ 3 ở xã Hưng Yên Nam ngày càng  đạt được kết quả tốt đẹp hơn.

Nguyễn  Giang - Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện
Đến năm 2014, các quận, huyện của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã triển khai đồng bộ hệ thống báo cáo thống kê và cơ sở dữ liệu điện tử (MIS P/FP). Đây được coi là sự tiếp nối kế thừa thành quả quan trọng về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dữ liệu dân cư, đã được tiến hành từ cách đây gần 20 năm, góp phần quan trọng vào việc hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển KT-XH từng năm, từng giai đoạn của đất nước.

Hệ cơ sở dữ liệu chuyên ngành DS-KHHGĐ: Gia tài triệu đô được để lại  1
Kho dữ liệu dân số điện tử đã góp phần đắc lực 
cho công tác DS-KHHGĐ. Ảnh: DƯƠNGNGỌC

Hiệu quả to lớn từ hệ thống đăng ký dân số và cơ sở dữ liệu dân cư
TS Nguyễn Quốc Anh - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Thông tin và Dữ liệu (Tổng cục DS-KHHGĐ) cho hay: Công tác thống kê chuyên ngành DS-KHHGĐ được bắt đầu từ Quyết định 138/UB-QĐ ngày 10/11/1993 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia DS-KHHGĐ. Việc thực hiện hệ thống trên cả gồm 4 cấp: Trung ương; tỉnh, thành phố; huyện, quận và xã, phường. Hệ thống sổ ghi chép và báo cáo thống kê của cộng tác viên dân số là cơ sở ban đầu của hệ thống thông tin dân số.

Năm 1996, Ủy ban Quốc gia DS-KHHGĐ bắt đầu giai đoạn hợp tác với Trung tâm dữ liệu Hoàng gia Na Uy (SDS) để trao đổi hợp tác về lĩnh vực thông tin dữ liệu dân số. TS Nguyễn Quốc Anh kể: Theo yêu cầu của đoàn chuyên gia của Chính phủ Hoàng gia Na Uy, Ủy ban Quốc gia DS-KHHGĐ đã đưa đoàn chuyên gia đến tham quan, khảo sát hệ thống thu thập thống kê dân số của các bộ, ngành như: Công An, Tư pháp,  Tổng cục Thống kê, Bộ LĐ,TB&XH... Phía bạn đã đánh giá rất cao hệ thống thu thập thông tin của ngành DS-KHHGĐ và quyết định viện trợ, chuyển giao kỹ thuật để hoàn thiện hệ thống này. Tuy nhiên, để đảm bảo phục vụ yêu cầu quản lý chuyên ngành của cơ quan nhà nước và nhu cầu của mọi người dân trong kiểm soát dân cư, phía Na Uy cho rằng Việt Nam cần hoàn thiện, nâng cấp, tin học hóa hệ cơ sở dữ liệu DS-KHHGĐ. Tới tháng 7/1997, Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Na Uy về việc giúp đỡ xây dựng dự án thí điểm đăng ký dân số tại Việt Nam đã được ký kết. Bước đầu triển khai tại 3 tỉnh thuộc 3 miền là Hà Tây (cũ), Bình Thuận và Tây Ninh.

“Sở dĩ Na Uy chọn ngành DS-KHHGĐ  vì mục tiêu hướng tới là cải cách hành chính từ quản lý hành chính đơn thuần sang quản lý hành chính công, tức mang dịch vụ phục vụ tới mọi người dân. Khi đó, hệ thống “chân rết” của Ủy ban Quốc gia DS-KHHGĐ là đội ngũ  cộng tác viên đến từng nhà dân, từng hộ gia đình để vận động và ghi chép thông tin cần thiết. Đấy chính là cách tiếp cận hiện đại, dân chủ”, TS Nguyễn Quốc Anh chia sẻ.

Cũng trong thời gian đó, phía Na Uy giúp Việt Namchuyển giao công nghệ để thử nghiệm mô hình đăng ký dân số mới cho Việt Nam, theo mô hình đã thành công ở các nước Bắc Âu. Mỗi công dân Việt Nam sẽ có ID (mã số định danh cá nhân) riêng – một con số mang tính quốc gia, sử dụng thống nhất trong cả cuộc đời. Mã số định danh cá nhân cũng sử dụng để truy cập vào cơ sở dữ liệu của người dân để lấy các thông tin cần thiết, phục vụ các giao dịch dân sự, tinh giảm tối đa các thủ tục hành chính, giấy tờ phiền hà.

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu, Thông tin và Dữ liệu, chất lượng hệ thông tin quản lý chuyên ngành DS-KHHGĐ được đánh giá cao, trong quá trình lập kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương. Có tới 83,7% số cán bộ ngành kế hoạch, tài chính và UBND đã sử dụng nguồn thông tin số liệu của hệ thông tin quản lý chuyên ngành DS-KHHGĐ, cao hơn nhiều so với việc sử dụng số liệu của ngành thống kê (68,9%) và so với số liệu của chính ngành đó (59,5%). Mặc dù hệ thông tin quản lý chuyên ngành DS-KHHGĐ còn non trẻ, nhưng kết quả thu được đã cho phép khẳng định về tính đúng đắn của hệ thống thông tin này và thực sự đáp ứng yêu cầu quản lý trong công cuộc cải cách quản lý hành chính, tiến tới xây dựng Chính phủ điện tử.

Năm 2002, đánh dấu sự hoàn thành hệ thống thông tin dữ liệu về dân số, gia đình và trẻ em trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin theo Quyết định số 05 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em (DS,GĐ&TE) Việt Nam. Năm 2005, hệ cơ sở dữ liệu DS,GĐ&TE đã cung cấp các thông tin cơ bản cho việc cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi và hình thành hệ cơ sở dữ liệu quản lý gần 10 triệu trẻ em thuộc nhóm đối tượng này. Năm 2007, hệ thông tin quản lý chuyên ngành DS-KHHGĐ đã hỗ trợ tích cực cho việc lập danh sách cử tri bầu cử HĐND các cấp.

Kiên trì thực hiện

Năm 2007, khi có sự thay đổi về bộ máy tổ chức, ngành DS-KHHGĐ trở thành đơn vị Tổng cục trực thuộc Bộ Y tế. Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã bàn giao cho Bộ Công An thực hiện theo phân công của Chính phủ.

Để thừa kế các kết quả giúp đỡ của Chính phủ Na Uy, thông qua SDS, cơ sở dữ liệu (CSDL) về dân số được Tổng cục DS-KHHGĐ tiếp tục thực hiện phục vụ quản lý chuyên ngành như quy định trong Luật Thống kê, hệ CSDL đã phủ đến 98% dân số Việt Nam, được thường xuyên cập nhật để phục vụ công tác kế hoạch - thống kê chuyên ngành. Theo đánh giá trong Hội nghị Tổng kết công tác thống kê Bộ, ngành do Bộ KH&ĐT chủ trì (tháng 1/2008) thì “Hệ thống thống kê chuyên ngành DS-KHHGĐ báo cáo đúng thời gian, chất lượng tốt. Cần củng cố, kiện toàn để giảm thiểu sai sót xuống mức cho phép, tiến tới đưa hệ thống số liệu này thành một kênh số liệu chính thức, cung cấp phục vụ sử dụng chung cho các bộ, ngành”.

Năm 2009, hệ thông tin quản lý chuyên ngành DS-KHHGĐ đã hỗ trợ tích cực cho công tác Tổng điều tra Dân số và Nhà ở trong việc lập bảng kê danh sách số hộ, số người. Kết quả cho thấy, số liệu giữa Tổng điều tra Dân số và Nhà ở  2009 và số liệu của ngành DS-KHHGĐ chỉ chênh khoảng 1% (thấp hơn rất nhiều so với sai số cho phép là dưới 5% - PV). Điều đó chứng tỏ tính chính xác, khoa học của hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư điện tử của ngành DS-KHHGĐ mà không phải ngành nào cũng có được. Những năm tiếp theo, hệ thống đã từng bước được tin học hóa thông qua việc xây dựng kho dữ liệu điện tử các cấp từ Trung ương đến huyện, xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu, phần mềm kết suất biểu báo cáo thống kê, nâng cấp hỗ trợ đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin…

TS Nguyễn Quốc Anh cũng cho biết thêm: Ngay ở Tổng cục Thống kê hiện nay cũng chưa lập được hệ thống báo cáo thống kê định kỳ và xây dựng CSDL điện tử về thống kê dân số, mà phải tiến hành bằng phương pháp điều tra như: Tổng điều tra dân số (10 năm một lần), Điều tra dân số giữa kỳ (5 năm một lần) và Điều tra biến động dân số và KHHGĐ hàng năm. Sau điều tra, thu phiếu, nhập tin, xử lý, phân tích... thường một năm sau, kết quả số liệu điều tra của năm trước mới được công bố.

Hiện nay, từ cơ sở dữ liệu thống kê điện tử, Tổng cục DS-KHHGĐ đã phối hợp với Tổng cục Thống kê để hình thành hệ  cơ sở dữ liệu bản đồ điện tử của 28 tỉnh, thành phố thuộc Đề án Kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển (Đề án 52). Theo đó, chỉ cần một cú click chuột, tất cả dữ liệu thông tin về dân cư tại các xã, huyện, tỉnh triển khai Đề án 52 sẽ được hiển thị trên hệ thống bản đồ. Theo Trung tâm Nghiên cứu, Thông tin và Dữ liệu: Năm 2014, Trung tâm sẽ cố gắng đưa toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư của 63 tỉnh, thành lên bản đồ điện tử.

Dự án Hệ cơ sở dữ liệu chuyên ngành Dân số Việt Nam đã được trao giải thưởng Công nghệ thông tin xuất sắc ASEAN 2010. Năm 2011, Dự án cơ sở dữ liệu chuyên ngành Dân số Việt Nam được trao giải thưởng dự án ứng dụng công nghệ thông tin xuất sắc khu vực Châu Á–Thái Bình Dương theo sự bình chọn của tập đoàn FutureGov.

TS Nguyễn Quốc Anh (nguyên là Giám đốc Ban quản lý dự án “Đăng ký dân số” Việt Nam – Na Uy), nói: Trong giai đoạn chuyển tiếp, dự án đã xác định việc sử dụng mã số định danh cá nhân (ID). Số ID trong hệ thống đăng ký dân số sẽ đáp ứng tất cả các điều kiện: Là con số mang tính thống nhất, duy nhất của mỗi con người sử dụng cho toàn bộ dân cư cả trong vòng 200-300 năm mà không bị trùng lặp; Sử dụng suốt đời để tránh tình trạng lẫn lộn dữ liệu của các cá nhân…

Võ Thu 
Nguồn:http://giadinh.net.vn

Trong mỗi bữa cơm, truyền thống văn hóa, đạo đức, kể cả những tình cảm rất thiêng liêng như tình yêu Tổ quốc cũng sẽ được nối dài, được tiếp truyền mãi mãi qua các thế hệ.








Như chúng ta đã biết: gia đình là tế bào của xã hội, là chiếc nôi sinh hạ mọi cuộc đời, là mảnh đất cho nhân cách nảy mầm và phát triển, là cội nguồn những tình cảm quý báu thiêng liêng nhất cho mỗi người. Xã hội càng văn minh, cuộc sống càng ổn định thì gia đình càng trở thành địa hạt quan trọng, bền vững cho sự định hình và phát triển mọi tiềm năng của thế hệ tương lai. 

Chiếc nôi sinh hạ ấy, mảnh đất đầu tiên ấy, cội nguồn của mọi tình cảm thiêng liêng ấy là nơi bắt đầu của thế giới ngày mai, nơi dự báo cho mọi hạnh phúc và đắng cay, vinh quang và tủi nhục, thiện và ác, ánh sáng và bóng đêm trên thế gian này. Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt đẹp. 

Nhưng hiện trong cái tổ ấm gia đình thời kinh tế thị trường mở cửa đang bị ảnh hưởng lung lay ở nhiều lúc, nhiều nơi không còn nguyên nghĩa truyền thống nữa. Đây cũng là nguyên nhân gây ra bao điều bất hạnh và tội lỗi cho con người nhất là những người vợ bạc phận và những đưa con yếu đuối đã làm nhức nhối đau long xã hội. Và nỗi đau này không của riêng ai”. 
Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương 1

Năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định công bố “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” là chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam (28/6). “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” là mong đợi của nhiều người trong thời hội nhập này bởi trong đời sống gia đình, bữa cơm là một yếu tố vô cùng quan trọng, nó gắn kết các thành viên, tạo tình cảm yêu thương gắn bó. 

Thế nhưng trong những năm gần đây, mối liên kết giữa các mối quan hệ trong gia đình có sự lỏng lẻo. Nhiều gia đình ở thành thị có tình trạng cả tuần có khi chẳng có bữa cơm nào đông đủ các thành viên, vì công việc bận rộn mà cha mẹ về nhà thì các con đã đi ngủ. Không khí đầm ấm trong gia đình vì thế mà dần dần bị ảnh hưởng. Chủ đề này với mong muốn làm thế nào để đánh động vào ý thức của tất cả mọi người về tầm quan trọng của bữa cơm gia đình, hình dung về nó dưới những góc nhìn thật cụ thể. Quả thật, bữa cơm gia đình có một ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cuộc sống người Việt cũng như sự phát triển, hình thành nhân cách trẻ em. 

Trong bữa cơm, chúng ta trò chuyện với nhau, ông bà, cha mẹ có thể thông qua các câu chuyện để giáo dục cho con trẻ tình yêu thương, đạo hiếu, kính trọng biết ơn các bậc sinh thành và những kinh nghiệm ứng xử. Một bữa cơm dạy cho chúng ta rất nhiều điều, các cụ đã nói: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, “Trên kính dưới nhường”, “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”… Bữa cơm đầm ấm tình cảm của ông bà, cha mẹ với con cái sẽ để lại ấn tượng không phai trong tâm trí trẻ. Chúng ta, sẽ rất dễ hình dung bữa cơm gia đình vô cùng thiêng liêng, đầm ấm mà một thời các em học sinh tiểu học đã từng được học trong trường:

“Mỗi ngày, sau bữa cơm chiều,
Dưới đèn là cảnh thương yêu quay quần.
Mẹ em sàng gạo dưới sân
Cha nghe em đọc rõ ràng từng câu
Bé em chạy trước, chạy sau
Quàng vai rồi lại kề đầu bên cha
Con mèo ngồi gọn giữa nhà
Xanh xanh đôi mắt như là thủy tinh”

Thực tế cho thấy, từ thành thị đến nông thôn, trẻ em đều mơ ước một bữa cơm đầy đủ mẹ cha, ông bà, con cháu quây quần bên nhau. Trong mỗi bữa cơm, truyền thống văn hóa, đạo đức, kể cả những tình cảm rất thiêng liêng như tình yêu Tổ quốc cũng sẽ được nối dài, được tiếp truyền mãi mãi qua các thế hệ.
Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương 2

 Với chủ đề này, hy vọng mọi người, mọi gia đình sẽ hiểu hết được ý nghĩa của Ngày Gia đình Việt Nam năm nay với mong đợi cổ động, khuyến khích tất cả các gia đình phải dành thời gian để ăn cùng nhau một bữa cơm với sự có mặt của đông đủ các thành viên. Vì: “Duy chỉ có nơi gia đình chúng ta mới tìm được chốn nương thân và chống lại tai ương của số mệnh”. Cho nên. “Dù nó thật tồi tàn đến mấy chăng nữa cũng không có nơi nào sánh với mái ấm gia đình”. 

Chúng ta giờ hay đổ lỗi cho sự tiện lợi của các hàng quán, sự bận rộn của công việc, giờ giấc học tập để ngày càng rời xa các bữa cơm gia đình, đó là điều rất không nên và là một sai lầm. Đừng hỏi tại sao trẻ em giờ ích kỷ thế, con người vô cảm thế, đừng đổ lỗi cho xã hội, cho trò chơi điện tử, tất cả là ở sự nỗ lực của mỗi chúng ta. Nếu cha mẹ sát sao quan tâm đến con, trò chuyện, tìm hiểu những sở thích tâm lý của con, uốn nắn con thì chúng ta sẽ có những công dân tốt. Vì thế chúng ta hãy bắt đầu từ những việc cụ thể nhất, đó là khơi lại hơi ấm của những bữa cơm gia đình. Nói đến đây, tôi càng tâm đắc câu nói của nhà văn W. Gơt: “Dù anh là vua, hay là dân. Nếu ai tìm được sự bình an trong gia đình thì đó mới là người hạnh phúc nhất”. Cho nên, mọi kho báu trên đời, không làm sao sánh được kho báu hạnh phúc gia đình.

Với ý nghĩa vô cùng to lớn đó, vào ngày 4/5/2001 Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 72/2001/QĐ-TTG về việc chọn ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, việc chọn ngày 28/6 hàng năm là ngày “Gia đình Việt Nam” là nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc; đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”.

Bác sỹ Mai Xuân Phương
Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông-Giáo dục
Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình – Bộ Y tế
Nguồn:http://giadinh.net.vn
Chủ đề năm 2014 “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” là thông điệp gửi đến những thành viên trong gia đình: hãy trân trọng hơn những giây phút sum họp bên bữa cơm đầm ấm và hạnh phúc của gia đình; đồng thời đề cao các giá trị văn hóa tình cảm của ông bà, cha mẹ, con cháu, vợ chồng và anh em; tôn kính các bậc sinh thành; yêu thương, chăm sóc cho nhau giữa các thành viên trong gia đình...
 
Gia đình vui vầy chuẩn bị bữa cơm quê. Ảnh: Vinh Hiển

Đó là truyền thống lâu đời và quý giá của ông cha ta muôn đời nay để lại. Trong giai đoạn công nghiệp hóa- hiện đại hóa ngày nay, so với thuở cha ông ta trước đây có rất nhiều sự khác biệt, nhất là áp lực của cuộc sống, việc làm... cho nên trách nhiệm, giải pháp, tổ chức thực hiện... để lưu giữ, phát huy truyền thống quý giá của cha ông ta để lại rất cần được chú trọng quan tâm đúng mức nhằm duy trì được bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương.
Từ bữa cơm đong đầy yêu thương...
Gia đình là “tế bào” của xã hội. Gia đình như thế nào thì xã hội như thế ấy, cũng như “muốn xây dựng xã hội chủ nghĩa, phải có con người chủ nghĩa xã hội”. Xây dựng gia đình hạnh phúc là xây dựng xã hội hạnh phúc.
Hạnh phúc mỗi gia đình có được, phải bằng cả sức lực, trí tuệ, thời gian... của các thành viên trong gia đình góp phần vun đắp. Thông qua nhận thức đúng, hành động đúng, cùng với truyền thống quý báu của ông cha, của dân tộc; kết hợp hài hòa với văn hóa tiên tiến của các dân tộc khác trên thế giới và thành tựu về khoa học của nhân loại để tạo nên giá trị cao đẹp hướng đến chân- thiện- mỹ trong từng gia đình.
Hạnh phúc gia đình được thể hiện qua những giá trị đạo đức rất đáng được trân trọng như tình yêu, lòng chung thủy, tình nghĩa vợ chồng; lòng yêu thương, chăm lo, hỗ trợ, chia sẻ và vì con cái; sự quý trọng và hiếu đạo của con cháu đối với cha mẹ, ông bà.
Hạnh phúc gia đình được hình thành qua những hành động, việc làm hàng ngày trong đời thường như: cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, các hoạt động ăn uống, nghỉ ngơi, tâm sự, chuyện trò, vui chơi, gánh vác hỗ trợ... với nhau giữa các thành viên trong gia đình và bữa cơm gia đình chính là thời gian, không gian quý để mọi thành viên trong gia đình cùng vun đắp cho hạnh phúc gia đình.
Từng gia đình được như thế sẽ là động lực rất quan trọng tác động đến những thành viên trong gia đình vươn lên làm người hữu ích cho gia đình và cho xã hội.
Có những gia đình mà ở đó bữa cơm gia đình tuy đơn sơ, đạm bạc nhưng rất đầm ấm và đầy nghĩa tình. Bởi lẽ, trong bữa cơm đó đong đầy yêu thương của người mẹ, người vợ, người con... đối với các thành viên trong gia đình.
Dù sở thích, khẩu vị, thói quen,... của từng người có khác nhau, nhưng với tài nội trợ tháo vát của người mẹ, người vợ luôn quan tâm đến sở thích của từng thành viên; luôn nghĩ đến việc có bữa ăn vừa ngon vừa bổ dưỡng; cũng sẽ có những món ăn có tính chất ưu tiên cho người cần được bồi dưỡng như trẻ em, người bệnh mới khỏi hoặc người đang bị bệnh, người vừa phải lao động nặng mất nhiều sức lực...
Thỉnh thoảng, vào những ngày nghỉ sẽ có những bữa ăn thịnh soạn, có thể đáp ứng khoái khẩu cho từng thành viên trong gia đình. Mỗi bữa cơm, mỗi người được thỏa mãn nhu cầu về vật chất của mình thì nhất định sẽ ăn ngon, ăn no, thấy vui vẻ, thoải mái, phấn chấn...
Sự chăm chút bữa ăn làm cho các thành viên trong gia đình có cái nhìn đầy yêu thương đối với người biết tạo nên bữa ăn ngon; thiện cảm và yêu thương, đó là mầm mống của hạnh phúc gia đình.
... Đến bữa cơm dạy thành người
Qua bữa cơm, tính giáo dục có thể phát triển bền vững và có hiệu quả rất cao cho mỗi thành viên trong gia đình, đặc biệt là đối với trẻ em bằng những đức tính: biết nhường nhịn, biết dành miếng ngon cho người khác, biết vì người khác; biết tập những thói quen tốt trong khi ăn...
Riêng với người lớn, biết chia sẻ với nhau những khó khăn, vướng mắc sau một ngày làm việc; biết đóng góp cho nhau để cùng nhau ngày một hoàn thiện hơn; biết chia sẻ cho nhau những thông tin mới, thành tựu mới của cộng đồng của đất nước; giới thiệu cho nhau để khắc phục những gì không nên làm và khuyến khích, tạo điều kiện cho nhau thực hiện những điều nên làm cho gia đình, cho cộng đồng và cho quê hương đất nước...
Đây là cách giáo dục cụ thể, thiết thực giữa các thành viên trong gia đình. Từ các thành viên trong gia đình sẽ tỏa rộng ra ngoài cộng đồng và xã hội. Đặc biệt, đối với những gia đình có 3 thế hệ trở lên cùng chung sống và cùng có những bữa cơm gia đình thì sức mạnh của giáo dục từ gia đình sẽ đạt hiệu quả rất cao, nhất là những gia đình luôn phấn đấu thực hiện “ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”.
Sau một ngày, ông bà trông nom và làm việc nhà, cha mẹ đi làm, các con đi học... bữa cơm là dịp cho cả gia đình đoàn tụ, vui vẻ bên nhau.
Trong hoàn cảnh hiện nay, ai ai cũng tất bật vì công việc, người công tác, người sản xuất kinh doanh... có khi phải ăn cơm ngoài, con cháu đi học thì có thể ăn, nghỉ trưa tại trường thì bữa cơm gia đình vào buổi tối đa số gia đình đều có thể thực hiện được.
Những giây phút gặp nhau trong bữa cơm là hạnh phúc keo sơn gắn kết các thành viên trong gia đình, gợi mở cho những suy nghĩ và hành động cho ngày mai, cho tương lai của từng thành viên trong gia đình. Điều đó chắc hẳn mang lại những niềm vui và hạnh phúc cho bản thân từng thành viên, cho từng gia đình và cho cả xã hội mai sau.
Chúng ta cũng thấy rõ rằng bữa cơm gia đình ăn tại gia đình khác hẳn ăn tại quán, nhà hàng. Ở quán, nhà hàng các món ăn không thể hiện rõ tinh thần của người nội trợ thân yêu, không ấm cúng thân mật, tình yêu thương như ở nhà.
Ở nhà- nơi đó các thành viên trong gia đình thân quen, hương vị của các món ăn luôn gần gũi và đậm ân tình của người thân. Bữa cơm ở nhà sẽ tạo nên sự ấm cúng rất đặc biệt không nơi nào sánh được.
Để có hạnh phúc đơn giản ấy qua bữa cơm gia đình, người phụ nữ đóng vai trò người nội trợ cho bữa cơm gia đình cần chăm lo cho bữa ăn có ý nghĩa thật sự, vừa ngon vừa bổ khỏe, vừa tạo được không khí vui vẻ, thoải mái cho từng thành viên trong gia đình.
Không vì áp lực của công việc trong ngày, hay sự mâu thuẫn tạm thời giữa các thành viên trong gia đình mà làm ảnh hưởng đến chất lượng và không khí không vui cho bữa cơm gia đình.
 
Bữa cơm đồng cam cộng khổ. Ảnh: VINH HIỂN

Những gia đình giữ và tổ chức tốt bữa ăn gia đình không chỉ cung cấp năng lượng vật chất cần thiết hiệu quả cho sự sinh tồn và phát triển thể chất cho từng thành viên mà còn hun đúc những giá trị tinh thần, tâm lý, tình cảm gắn bó sâu sắc giữa các thành viên.
Những giá trị vật chất và tinh thần hình thành sau những bữa cơm gia đình không khác gì những viên gạch cùng những chất keo vô hình tạo nên lâu đài hạnh phúc vĩnh cữu mà mỗi người chúng ta ai ai cũng cần, ai ai cũng muốn vươn tới và ai ai cũng cần có nó.
Hãy tạo những bữa cơm gia đình ý nghĩa!
Với chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” nhân ngày Gia đình Việt Nam năm nay, từng gia đình nên duy trì những bữa cơm gia đình như đã làm và đặc biệt quan tâm đến giá trị tinh thần của nó; những gia đình vì lý do nào đó chưa duy trì được hãy gắng phục hồi những bữa cơm gia đình hữu ích.
Người người, nhà nhà chú tâm và thực hiện những bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương, nhất định sẽ góp phần mang lại hiệu quả trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, sẽ góp phần xây dựng xã hội chúng ta đang sống là một xã hội hạnh phúc.
Hạnh phúc gia đình qua bữa cơm gia đình tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng rất cần và rất quý. Nếu còn có những gia đình với lý do gì đó lại lãng quên, không quan tâm đến, không hiểu được giá trị cả vật chất lẫn tinh thần của bữa cơm gia đình là điều đáng tiếc vô cùng, cần nên khắc phục duy trì những bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; xây dựng nông thôn mới; xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh... mỗi người, mỗi gia đình quan tâm thực hiện bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu trên. “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền..., quyết chí ắt làm nên”!
Việc thực hiện bữa cơm gia đình đạt ý nghĩa như đã nêu trên trong điều kiện hiện nay là khó nhưng không phải là nan giải.
Từng thành viên trong gia đình cần nhận thức rõ lợi ích của bữa cơm gia đình mà tranh thủ thời gian, việc chung, cho riêng, thói quen không có lợi... để đảm bảo bữa cơm gia đình được thực hiện và đạt được ý nghĩa cần thiết của nó.
Hệ thống chính trị của chúng ta, các đoàn thể cần quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị và Quyết định của Thủ tướng chính phủ về việc ngày Gia đình Việt Nam, để tăng cường phổ biến tuyên truyền sâu rộng ra toàn dân; đồng thời vận động, tổ chức hướng dẫn cho mọi người, mọi nhà cùng thực hiện bữa cơm gia đình.
Thực hiện bữa cơm gia đình trước hết tốt cho bản thân từng người, tốt cho từng gia đình, tốt cho con cháu chúng ta mai sau, góp phần tích cực cho việc xây dựng gia đình, xã hội chúng ta ngày càng ấm no, văn minh và hạnh phúc, đó là ý Đảng lòng dân.
Từ Chỉ thị số 55 của Bộ Chính trị và Quyết định số 72 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28/6 được chọn làm ngày Gia đình Việt Nam. Hàng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn những chủ đề gần gũi, thiết thực để tôn vinh những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam.

NGUYỄN LƯỢNG
Nguồn:http://vtvcantho.vn