Phiên họp lần thứ 47 về "Đánh giá tình hình thực hiện Chương trình Hành động của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển" của Ủy Ban Dân số và Phát triển Liên Hợp Quốc

      Từ ngày 7 đến 11/4/2014, Ủy Ban Dân số và Phát triển (CPD) tổ chức Phiên họp lần thứ 47 tại New York, Mỹ nhằm “Đánh giá tình hình thực hiện Chương trình Hành động của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD)”. Tại Phiên họp, đại biểu các nước trao đổi kinh nghiệm các nước về thực hiện Chương trình Hành động ICPD và thảo luận về báo cáo rà soát thường niên cấp bộ sẽ diễn ra trong năm 2014. Phiên họp đưa ra các khuyến nghị thực hiện ICPD sau 2014 và gắn kết chương trình ICPD với Chương trình Phát triển sau 2015.
    Dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự Phiên họp là TS. Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-KHHGĐ. Đoàn Việt Nam tham gia tích cực các hoạt động của Phiên họp. Đặc biệt Việt Nam đã chủ động trong việc tham gia xây dựng tuyên bố chung của 24 nước Châu Á-Thái Bình Dương ủng hộ việc tiếp tục thực hiện Chương trình Hành động ICPD sau 2014 và Chương trình Phát triển sau 2015.

 
TS. Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-KHHGĐ (phải) tại Phiên họp lần thứ 47 của Ủy Ban Dân số và Phát triển Liên Hợp Quốc về “Đánh giá tình hình thực hiện Chương trình Hành động của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển”.


      Các nước tham gia Tuyên bố chung khẳng định quyết tâm đảm bảo sự tiếp cận phổ cập tới thông tin và các dịch vụ sức khóe sinh sản (SKSS) và sức khỏe tình dục (SKTD), cũng như các biện pháp xóa bỏ mọi hình thức bạo lực, phân biệt đối xử dựa trên tuổi, giới tính, khuynh hướng tình dục, nhận thức về giới, thu nhập, chủng tộc, tôn giáo, tình trạng di cư, khuyết tật, tình trạng HIV và tình trạng khác. Tuyên bố khẳng định các chính sách về dân số và phát triển phải được dựa trên các nguyên tắc quyền con người để đạt được sự phát triển bền vững. Điều này bao gồm việc thực hiện các chương trình và chính sách giúp phụ nữ, vị thành niên và thanh niên… có thể tiếp cận tới thông tin và các dịch vụ SKSS, SKTD, bao gồm việc lựa chọn các biện pháp tránh thai hiện đại, chăm sóc bà mẹ toàn diện, chăm sóc trước sinh và sau sinh, tiếp cận dịch vụ nạo phá thai hợp pháp an toàn, chăm sóc sau nạo phá thai, các dịch vụ sinh đẻ an toàn, phòng chống và điều trị vô sinh, phòng chống và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV, các bệnh ung thư đường sinh sản, các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm khác; và được hưởng tất cả các quyền SKSS, SKTD, thông qua các chương trình giáo dục giới tính toàn diện với sự tham gia đầy đủ của vị thành niên và thanh niên. Các chương trình này phù hợp với năng lực phát triển của vị thành niên và thanh niên và nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của cha mẹ và giáo viên.
      Các nước phản đối tất cả các hình thức cưỡng bức, bạo lực và phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái ảnh hưởng đến sự tiến bộ và mục tiêu của ICPD và kêu gọi các quốc gia xem xét vấn đề pháp l‎uật nhằm xóa bỏ các hình thức bạo lực, phân biệt đối xử trên cơ sở tuổi tác, giới tính, bình đẳng giới, thu nhập, chủng tộc, tôn giáo, di cư, tàn tật, HIV và các thủ phạm gây ra bạo lực giới.
Các nước đánh giá cao các thành tựu thực hiện Chương trình hành động ICPD sau 20 năm và cam kết ứng phó với các thách thức mới như thay đổi quy mô dân số, dân số trẻ, dân số già, di cư, đô thị hóa cũng như các hình thức thảm họa, xung đột, và các trường hợp khẩn cấp. Cần tăng cường nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, các xung đột, suy giảm đa dạng sinh học, nghèo đói, an toàn thực phẩm, an ninh lương thưc. Hội nghị cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lồng ghép các chương trình nghị sự về dân số và phát triển trong Chương trình Phát triển sau năm 2015 gồm cả các mục tiêu phát triển bền vững.
Khẳng định vai trò quan trọng của quan hệ giữa các nước đối tác, các chính phủ, các tổ chức cộng đồng, các tổ chức xã hôi, các tổ chức phi lợi nhuận và các thành phần kinh tế tư nhân trong triển khai Chương trình Hành động ICPD và các chương trình hoạt động quan trọng khác. Các nước tham gia Tuyên bố kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế đảm bảo liên tục hỗ trợ phát triển chính thức, đảm bảo cùng phối hợp giải quyết các vấn đề chung.
Kết thúc Phiên họp lần thứ 47 các nước thành viên cũng đã thông qua Nghị quyết tái khẳng định cần tiếp tục triển khai đầy đủ và rộng rãi hơn Chương trình Hành động ICPD, góp phần triển khai chương trình đối thoại Bắc Kinh cũng như các chương trình về Dân số và Phát triển, giáo dục và lồng ghép bình đẳng giới vào các nỗ lực toàn cầu nhằm xóa đói giảm nghèo và đạt mục tiêu phát triển bền vững và vấn đề quy mô dân số cũng chính là vấn đề quan trọng trong sự phát triển.
        Chính phủ các nước cần nhận thức được sự liên kết quan trọng giữa các vấn đề ưu tiên của ICPD và phát triển bền vững nhằm nỗ lực dựa trên các kinh nghiệm đạt được trong 20 năm qua trong việc xúc tiến Chương trình Phát triển sau 2015. Chính phủ các nước cần xây dựng, đẩy mạnh triển khai các chiến lược một cách hiệu quả nhằm xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển và phát triển bền vững; giải quyết các nhu cầu cho trẻ em, trẻ vị thành niên và thanh niên, người già, người thất nghiệp, người tàn tật và những người dễ bị tổn thương cả ở khu vực đô thị và nông thôn.
     Chính phủ các nước cần nỗ lực để tiếp cận toàn cầu về việc phòng  ngừa, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ, không kỳ thị và phân biệt đối xử với người bị HIV, đặc biệt những người sống chung với HIV, tiến tới xóa bỏ việc lây truyền HIV từ mẹ sang con, hướng đến kết thúc lây lan bệnh HIV/AIDS.
      Cần giải quyết các vấn đề khác biệt trong triển khai Chương trình Hành động ICPD và ứng phó với những thách thức mới liên quan đến dân số và phát triển. Chính phủ các nước cần giải quyết các vấn đề hiện có trong Chương trình Hành động ICPD bao gồm: tôn trọng, bảo vệ, thúc đẩy triển khai vấn đề nhân quyền, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, bình đẳng trong việc triển khai việc tiếp cận bình đẳng toàn cầu về dịch vụ y tế, SKSS và SKTD, sức khỏe trẻ sơ sinh, trẻ em cũng như các tiến bộ về y tế, tuổi thọ; giải quyết vấn đề bạo lực và phân biệt đối xử; công nhận quyền, nhiệm vụ và trách nhiệm của bố mẹ - những người có trách nhiệm chăm sóc vị thành niên liên quan đến khả năng của vị thành niên.
      Cần giảm tỷ suất chết mẹ thông qua tăng cường hệ thống y tế, tiếp cận hệ thống y tế có chất lượng trên toàn cầu một cách bình đẳng, lồng ghép hệ thống SKSS và SKTD một cách toàn diện, đảm bảo cho trẻ vị thành niên thanh niên tiếp cận đầy đủ và chính xác các thông tin, giáo dục về tình dục, thúc đẩy, tôn trọng, bảo vệ và triển khai đầy đủ vấn đề nhân quyền đặc biệt là vấn đề nhân quyền cho phụ nữ và trẻ em gái về quyền SKSS và SKTD; giải quyết triển khai luật về phân biệt đối xử và áp dụng luật một cách công bằng và không phân biệt đối xử.
     Chính phủ các nước và các đối tác phát triển nhiều hơn nữa về  hợp tác quốc tế, để cải thiện sức khỏe bà mẹ, giảm tỷ lệ chết mẹ, phòng ngừa và ứng phó với dịch bệnh HIV/AIDS nhằm tăng cường hệ thống sức khỏe và đảm bảo các nước ưu tiên việc tiếp cận thông tin về chăm sóc SKSS và SKTD toàn cầu, KHHGĐ, chăm sóc trước sinh, sinh đẻ an toàn và chăm sóc sau sinh (đặc biệt nuôi con bằng sữa mẹ), chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, chăm sóc các cấp cứu sản khoa, phòng ngừa và điều trị vô sinh, các dịch vụ có chất lượng để quản l‎ý biến chứng do nạo phá thai; tiếp cận thông tin đáng tin cậy và tư vấn cho phụ nữ mang thai ngoài ý muốn; giảm các ca nạo phá thai theo thông qua mở rộng và cải thiện dịch vụ KHHGĐ; giảm thiểu nạo phá thai không an toàn; đào tạo và trang bị cho những người cung cấp dịch vụ các biện pháp đảm bảo nạo phá thai an toàn.
      Cần nhận thức rõ và công nhận KHHGĐ là một đóng góp cho quá trình phát triển bền vững, bao gồm việc đạt được các thành tựu về các mục tiêu về phụ nữ và trẻ em gái đã được thế giới thống nhất và vấn đề bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ cải thiện điều kiện kinh tế, gia đình và nhấn mạnh nhu cầu xóa bỏ hay triển khai chính sách gia đình vì mục đích đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho người phụ nữ nhằm thúc đẩy việc tham gia công tác xã hội của người phụ nữ.
      Ý thức được gia đình là cơ sở xã hội, cần được đẩy mạnh và bảo vệ toàn diện; hỗ trợ ác hệ thống xã hội, văn hóa và chính trị dưới mọi hình thức hiện có của gia đình; kết hôn phải dựa trên cơ sở tự do tìm hiểu bạn đời, vợ/chồng một cách bình đẳng. Các Chương trình hành động cần thực hiện đầy đủ yêu cầu huy động các nguồn tài nguyên ở cấp quốc gia và quốc tế, cũng như các nguồn lực mới và bổ sung cho các nước đang phát triển từ tất cả các cơ chế tài trợ có sẵn, bao gồm các nguồn đa phương, song phương và tư nhân. Các Chính phủ không thể kỳ vọng giành được thắng lợi và đạt được mục tiêu của         Chương trình này nếu chỉ hành động đơn lẻ.
     Khuyến khích các Chính phủ, tổ chức quốc tế, bao gồm cả hệ thống Liên hợp quốc, các tổ chức tài chính quốc tế và các bên liên quan khác hỗ trợ các quốc gia đang phát triển giải quyết các vấn đề, những khoảng trống và những thách thức có liên quan đến dân số, phát triển và thay đổi môi trường phát triển thông qua việc thay đổi phương thức hỗ trợ kỹ thuật và cơ sở hạ tầng nhằm đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình hành động. Đây là chìa khóa hành động cho các công tác tiếp theo.
     Khuyến khích Chính phủ các nước giám sát quá trình triển khai thực hiện Chương trình hành động và các mục tiêu phát triển quốc tế đã được thông qua. Về điểm này, để củng cố thống kê đăng ký dân sự và các số liệu quan trọng, hệ thống thông tin sức khỏe xây dựng cơ sở dữ liệu dân số, tách bạch giới tính, tuổi tác, bệnh tật và các hạng mục khác. Đồng thời, cần giám sát quá trình và chịu trách nhiệm giải trình. Chính phủ các nước cần bảo đảm sự hòa nhập xã hội của người cao tuổi, khuyến khích và đảm bảo các quyền lợi của họ như một phần của sự phát triển chính sách xã hội ở mọi tầng lớp.
    Nhấn mạnh sự quan trọng cần phải xây dựng mối liên kết hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa Chính phủ và các tổ chức xã hội có liên quan để đạt được thành công trong công tác tiến hành “Chương trình hành động”, thu hút chính phủ các nước và các tổ chức liên quan thuộc Liên Hợp Quốc, cũng như các cá nhân, tổ chức phi chính phủ khác tiếp tục hỗ trợ các hoạt động.
     Quỹ Dân số LHQ cần tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phạm vi được yêu cầu và căn cứ trên sự cần thiếtđàm phán để giành thắng lợi, đạt được các mục tiêu trong Chương trình hành động - chìa khóa triển khai các hoạt động trong tương lai.

Đinh Huy Dương
Phó Vụ trưởng Vụ TCCB, Tổng cục DS-KHHGĐ
Nguồn:http://www.gopfp.gov.vn 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét