Nạo phá thai và những "trái đắng"

Việt Nam là quốc gia đang phát triển nhưng xếp thứ 5 trên thế giới và đứng đầu Đông Nam Á về tỷ lệ nạo phá thai. Hệ quả của những “cuộc vui” quá mức đã khiến nhiều bạn nữ có thai ngoài ý muốn rồi đi nạo phá khẩn cấp, để lại di chứng làm nhiều vợ chồng trẻ không thể sinh con.

Gia tăng "sống thử"
Giới trẻ đang ngày càng có suy nghĩ và quan niệm thoáng hơn trong tình yêu và tình dục. Một bộ phận không nhỏ giới trẻ có quan niệm tình yêu đi liền với tình dục, thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản, hơn thế ở Việt Nam khi cặp đôi yêu nhau xảy ra việc đáng tiếc như có thai ngoài ý muốn thì phản ứng xã hội, phản ứng gia đình là rất lớn khiến họ phải chấp nhận “giải quyết” khi “hậu quả” nhanh, gọn.
Thực trạng sống thử đang ngày một gia tăng. Nhiều người băn khoăn rằng không biết đó là điều tất yếu của xã hội mở cửa hay do chủ quan trong quan niệm yêu cuồng sống vội, chưa xác định được mục đích của sống thử nên dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Biện pháp mà các bạn trẻ xem như là hữu hiệu cho việc ngoài ý muốn là dắt nhau đi nạo, phá thai đã để lại nhiều hậu quả khôn lường. 
Nếu trường hợp vô sinh của các nước trên thế giới chủ yếu do béo phì, lớn tuổi, buồng trứng…thì ở Việt Nam theo nghiên cứu của các bác sỹ, một tỷ lệ không nhỏ vô sinh là do quan hệ tình dục sớm, bừa bãi, thiếu kiến thức sức khỏe sinh sản.
Tỷ lệ nạo phá thai của Việt Nam so với các nước

Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ của Hội kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, bình quân mỗi năm có khoảng 300.000 ca nạo phá thai trong đó 20% là ở lứa tuổi vị thành niên và khoảng 15-20% số ca nạo phá thai ở thanh niên chưa lập gia đình, quan hệ tình dục trước hôn nhân. Đây quả thực là một tình trạng đáng báo động trong giới trẻ, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ hậu quả nghiêm trọng của vấn đề.


Nguy cơ vô sinh và những nỗi đau
Thống kê gần đây của Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho thấy, nếu tỉ lệ nạo phá thai ở độ tuổi vị thành niên không ngừng gia tăng thì mỗi ngày cũng có hàng trăm cặp vợ chồng đến khám vì cặp vợ chồng trẻ cưới được 2-3 năm mà không có con. 
Mặc dù hiện nay các biện pháp nạo phá thai được thực hiện bằng công nghệ tiên tiến hơn nhưng không phải ca nào cũng an toàn một cách tuyệt đối mà họ phải đối mặt với nhiều rủi ro, gặp tai biến do dùng thuốc gây mê, gây tê hoặc đau choáng, xuất huyết, thủng tử cung…. Đó là kết quả khi đã qua thời gian ăn chơi quay lại với cuộc sống gia đình thì nhận lấy những "trái đắng" như vô sinh, hiếm muộn.
Theo nghiên cứu cấp quốc gia mới nhất cho thấy tỉ lệ vợ chồng Việt đang vô sinh ở mức 7,7%. Nạo phá thai là một trong những nguyên nhân dẫn đến vô sinh ở phụ nữ, dù là một hay nhiều lần đều để lại hệ lụy do dùng thuốc gây mê, gây tê dẫn tới đau choáng, xuất huyết, viêm nhiễm, thủng tử cung…tai biến dẫn đến vô sinh, trở thành nỗi đau về thể chất cũng như tinh thần, là nỗi ám ảnh mang theo suốt cuộc đời. Đó còn chưa kể đến sự thiếu hiểu biết về quan hệ tình dục an toàn dẫn đến các bệnh truyền nhiễm như lậu, giang mai…thậm chí là HIV/AIDS.
Bỏ đi giọt máu của mình làm cho tâm lý những người làm mẹ “hờ” không những sợ hãi, hoang mang, tâm lí không ổn định mà còn tổn thương rất lớn sau khi họ lập gia đình. 
Bước ra từ phòng khám phụ sản của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nét mặt buồn rười rượi của người vợ trẻ với một tập giấy tờ xét nghiệm. Cô gái (quê ở Vĩnh Phúc) kết hôn gần 3 năm mà chưa có con dù đôi vợ chồng trẻ đã đi khám và uống nhiều thuốc đông- y dược nhưng không thấy có biến chuyển gì. Lần này, hai vợ chồng quyết định về Hà Nội để hi vọng xem còn có cơ hội mong manh nào giúp họ có con được không?. Nhưng số phận không mỉm cười cho đôi bạn trẻ. Ngồi tâm sự, người chồng rơm rớm nước mắt: “Nếu ngày xưa em không làm tổn thương cô ấy thì bây giờ đâu ra nông nỗi này…Do hồi học Đại học em lỡ làm cô ấy có thai 1 lần nhưng vì sợ bố mẹ mắng vì còn là sinh viên nên chúng em đã đi phá. Giờ không biết phải làm sao, ăn nói như thế nào với bố mẹ và mọi người nữa. Em hối hận lắm”.

Mỗi ngày có biết bao hoàn cảnh giống như cặp vợ chồng này, họ chịu áp lực của gia đình, áp lực từ chính quá khứ “xấu xa” của họ trở thành nỗi ám ảnh lớn mà họ không thể giải thích. Thậm chí nhiều trường hợp phải sử dụng biện pháp hỗ trợ sinh sản IUI (bơm tinh trùng vào buồng trứng) mà vẫn không có hiệu quả do đã phá thai nhiều quá dẫn tới u nang buồng trứng, không còn cơ hội làm mẹ. 

Tình dục, sinh sản duy trì nòi giống là nhu cầu thiết yếu của con người nhưng dường như kiến thức về lĩnh vực đó cũng nhưng làm chủ những “quyền lợi” ấy thì thế hệ trẻ đang thiếu trầm trọng. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo đối với các bậc phụ huynh và Nhà trường trong cách giáo dục về tình yêu, tình dục, hôn nhân, sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình…. Cần nâng cao để giới trẻ được trang bị một phông nền kiến thức vững chắc, đầy đủ nhằm giảm bớt hậu quả đáng tiếc gây ra tỷ lệ vô sinh ở Việt Nam. 

Thùy Linh
Nguồn:http://www.baomoi.com 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét