Bộ trưởng Bộ Y tế nhất trí mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện

Sáng 4/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhất trí với mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện; cán bộ DS-KHHGĐ xã là viên chức của Trung tâm DS-KHHGĐ, làm việc tại xã.
Bộ trưởng Bộ Y tế nhất trí mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện 1
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến


Nội dung trên được Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kết luận tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng với Tổng cục DS-KHHGĐ và các đơn vị liên quan về công tác DS-KHHGĐ. Theo đó, Bộ trưởng nhất trí: Ở cấp Trung ương giữ nguyên mô hình Tổng cục DS-KHHGĐ trực thuộc Bộ Y tế như hiện nay (theo Quyết định 17/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); Ở cấp tỉnh, trong thời gian tới vẫn giữ nguyên mô hình Chi cục DS-KHHGĐ trực thuộc Sở Y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế nhất trí mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện 2

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và lãnh đạo các vụ, cục, tổng cục trong buổi họp sáng 4/6.

Ưu điểm của mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện:
> Đảng ủy, HĐND, UBND trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo
> Thuận lợi hơn trong phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể
> UBND huyện đầu tư kinh phí
> Dễ dàng trong lồng ghép với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện
> Thuận lợi hơn trong hướng dẫn UBND xã và kêu gọi sự đầu tư kinh phí của UBND xã.
Riêng cấp huyện và xã, hiện đang có nhiều mô hình khác nhau dẫn đến công tác DS-KHHGĐ có sự chồng chéo, hoạt động không hiệu quả. Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh, mô hình nào có tính ưu việt nhất, có lợi nhất cho công tác DS-KHHGĐ thì cần thống nhất trên toàn quốc. Sau khi nghe báo cáo của Tổng cục DS-KHHGĐ, ý kiến của lãnh đạo Bộ Y tế và các đơn vị liên quan, căn cứ vào kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (đã trưng cầu ý kiến các Chi cục DS-KHHGĐ, lãnh đạo UBND các tỉnh, huyện, xã và cán bộ DS-KHHGĐ), Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhất trí mô hình: Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện; cán bộ DS-KHHGĐ xã là viên chức của Trung tâm DS-KHHGĐ, làm việc tại xã.
Tại buổi làm việc, TS Dương Quốc Trọng – Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ đã báo cáo tóm tắt với Bộ trưởng về tình hình công tác DS-KHHGĐ với các vấn đề nổi cộm về già hóa dân số, mất cân bằng tỉ số giới tính khi sinh, chất lượng dân số Việt Nam, về kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ... Sau khi nghe ý kiến của các bên liên quan, Bộ trưởng nhất trí và chỉ rõ những việc cần triển khai với các đề xuất của Tổng cục DS-KHHGĐ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc triển khai Đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2014 – 2020” nhằm khống chế và giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang có chiều hướng gia tăng phức tạp hiện nay.   
Bộ trưởng hoan nghênh Tổng cục DS-KHHGĐ đã chủ động đề xuất buổi làm việc nhằm giúp các đơn vị liên quan nắm rõ và phối hợp trong công tác quản lý lĩnh vực DS-KHHGĐ và thống nhất được mô hình bộ máy tổ chức của DS-KHHGĐ tốt nhất từ Trung ương tới địa phương. Bộ trưởng cũng chỉ đạo Tổng cục DS-KHHGĐ phối hợp với vụ, cục, đơn vị của Bộ thực hiện các kết luận của Bộ trưởng tại cuộc họp này trong thời gian sớm nhất.

Ưu điểm của mô hình cán bộ DS-KHHGĐ là viên chức của Trung tâm DS-KHHGĐ, làm việc tại xã:
> Đảng ủy, HĐND, UBND trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo
> UBND xã đầu tư kinh phí
> Trực tiếp tham mưu công việc với lãnh đạo UBND
> Thuận lợi trong phối hợp liên ngành
> Dành được thời gian và thực hiện đúng chức trách của cán bộ dân số
> Trung tâm DS-KHHGĐ trực tiếp hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ
> Có điều kiện tuyển dụng người tâm huyết, có năng lực, ở địa phương và phục vụ địa phương.
Hà Thư
Nguồn: http://giadinh.net.vn


0 nhận xét:

Đăng nhận xét