Xã Hưng Yên Bắc nằm về phía Bắc của huyện Hưng Nguyên cách trung tâm huyện 13 km. Là xã có địa bàn rộng, dân số đông với 4.926 khẩu, 1.170 hộ. Có trên 60 % đồng bào theo đạo Thiên chúa (trong đó có 5 xóm giáo toàn tòng). Số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ là 720 cặp. Trước thực trạng đó, Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân xã xác định công tác Dân số- KHHGĐ là nhiệm vụ hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Mô hình gia đình có 1 đến 2 con ngày càng được chấp nhận và thực hiện tốt hơn. Tuy vậy, do đặc thù đông đồng bào theo đạo Thiên chúa và một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng sinh đông con nên việc vận động giảm sinh gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay toàn xã Hưng Yên Bắc có 267 hộ nghèo. Trong đó có 105 hộ nghèo là các gia đình sinh con thứ 3 trở lên chiếm tỷ lệ 39, 3 %. Mặc dù chính quyền và Ban Dân số- KHHGĐ xã đã có nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền, vận động nhưng một bộ phận người dân vẫn chưa nhận thức được hậu quả của việc sinh nhiều con. Theo báo cáo của đơn vị Hưng Yên Bắc, năm 2014 dự kiến số trẻ em đã sinh và sẽ sinh là con thứ 3 trở lên có 15 trường hợp chiếm tỷ lệ 23,04%. Chị Phạm Thị Vinh- viên chức Dân số- KHHGĐ xã Hưng Yên Bắc cho biết: “ Do đặc thù là điạ phương có đông đồng bào giáo dân và người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên công tác Dân số- KHHGĐ Hưng Yên Bắc khó khăn. Tư tưởng muốn sinh đông con vẫn còn tồn tại trong nhiều nếp nhà. Có gia đình đã có 7, 8 con nhưng vẫn có tư tưởng muốn sinh thêm. Chính vì vậy nên đã dẫn đến tình trạng nghèo đói và thất học”.
Để “mục sở thị”, chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Ái và chị Nguyễn Thị Tý ở xóm 1. Là một gia đình điển hình sinh nhiều con tại xã Hưng Yên Bắc. Mặc dù năm nay, anh chị mới hơn 40 tuổi nhưng đã có 8 người con ( 7 trai 1 gái). Con trai đầu của anh chị đã 20 tuổi ( sinh năm 1994). Trong khi đó đứa con út vẫn còn phải bồng trên tay (sinh năm 2012). Do không có điều kiện chăm sóc nên lũ trẻ gầy gò, xanh rớt. Tám đứa con cứ nối tiếp ra đời khiến cuộc sống luôn chật vật, bức bách. Đôi vai gầy guộc nhỏ bé của các em cũng phải gánh một phần nỗi lo cơm áo. Đã hơn 10 năm gia đình anh chị vẫn nằm trong diện hộ nghèo và cận nghèo của xã. Chị Tý tâm sự “ Sinh nhiều con vất vả lắm các cô ạ. Để lo cho 8 đứa con ăn đủ no, vợ chồng tôi phải bán cốt lột xương, chạy ngược chạy xuôi vẫn không đủ tiền nuôi con ăn học. Để lo cho con có cái chữ, vợ chồng tôi đã phải vay ngân hàng đến 100 triệu. Gìơ đây cũng chưa biết lấy gì mà trả”. Chị dốc bầu tâm sự mà chúng tôi thấy nghẹn lòng. Mới hơn 40 tuổi nhưng trông chị đã già như ngoài năm mươi.
Chị Nguyễn Thị Tý và đàn con đông đúc ( thiếu 1 cháu đi vắng) . ảnh Lương Quỳnh |
Chúng tôi hiểu nỗi khổ tâm day dứt đến tận tâm can của người mẹ nghèo không lo đủ cho con ăn học bằng bạn bè trang lứa. Khi tâm sự về các con, chị rớt nước mắt: “Nhiêù đêm nằm nghĩ thương các con lắm. Cháu đầu bị tàn tật, bố mẹ nghèo nên cháu không được đến trường. Còn 7 cháu còn lại vợ chồng cũng mong các cháu có cái chữ để sau này đỡ khổ nhưng nhà nghèo, con đông đường đến trường của các cháu cũng gập ghềnh, gian khó”.
Chia tay gia đình chị Ái trong tiếng thở dài thườn thượt chất chứa nỗi niềm của người mẹ nghèo đông con. Lòng mỗi người cán bộ Dân số- KHHGĐ chúng tôi ai nấy đều nặng trĩu. Chị Phạm Thị Vinh- viên chức Dân số- KHHGĐ xã Hưng Yên Bắc cho biết: “Hầu hết những gia đình đông con đều rơi vào diện hộ nghèo, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Trong thời gian tới, Ban Dân số- KHHGĐ xã tiếp tục phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn, giáo dục để người dân để thay đổi nhận thức và chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai, thực hiện KHHGĐ".
Việc sinh đông con đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống của người dân và tạo gánh nặng cho xã hội. Để giải quyết vấn đề này cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành trong công tác Dân số-KHHGD. Bên cạnh đó, các cặp vợ chồng cần nghiêm túc thực hiện chính sách Dân số- KHHG “ Mỗi gia đình hãy sinh hai con".
Lương Quỳnh
Trung tâm Dân số- KHHGĐ Hưng Nguyên
0 nhận xét:
Đăng nhận xét