Các nhà nghiên cứu nhân tướng học hiện đại cũng đã chú ý rất nhiều đến các tướng biểu lộ ra bên ngoài (ngoại biểu) để xét đoán về tâm lý, cá tính và có thể cả tương lai của một người…
Đi hấp tấp: “Số gian nan không giàu”? Trước hết là tướng “đi” mà trong văn học Việt Nam qua một bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Nhược Pháp ta thấy cô gái đi chùa Hương không dám đi mau vì “ngại chàng chê hấp tấp – số gian nan không giàu”. Còn dưới mắt các nhà nghiên cứu nhân tướng học, cách đi vội vã, vội vàng là biểu lộ của người có tính tình khá “nóng”, dễ “nổi giận” và hay “gây sự”. Nếu “đi như chạy” càng khổ nữa, vì dễ làm “đổ tiền, đổ gạo” rơi vãi trên đường. Tới đây lưu ý bạn đọc cũng đừng có cái nhìn quá “một chiều” về những điều không tốt của tướng đi đó. Vì nếu người đàn ông có tướng đi nhanh như vậy, thậm chí lúc nào cũng như muốn “vượt lên” phía trước - đành rằng cũng khó mà “giàu lên” nhưng lại là người biết “nhìn xuống”, có lòng thương kẻ nghèo hơn mình và biết ứng xử nhanh nhẹn, ứng cơ, hợp lý đấy! Người có “dáng đi đỏng đảnh” như các chú vịt là người rất thích quyến rũ kẻ khác giới. Người có “dáng đi uốn éo” như rắn với cái đầu động đậy nhẹ theo từng bước chân, là người có “trái tim lạnh”, thường mưu lợi riêng cho mình dù phải gây thiệt thòi cho kẻ khác. Đi như con hạc chân cất cao khỏi mặt đất là người thích giấu mình trong đời sống nội tâm, kín đáo và khó chinh phục. Đang đi mà đầu thường cúi xuống, lại hơi nghiêng về phía trước là người trầm mặc, mộng mơ và hay thay đổi bạn tình. Đi mà từ bụng tới mông đều nhích động nhẹ nhàng là người vui vẻ, nhẫn nhịn và biết chiều chuộng bạn đời. Đi với bước chân kéo lê trên mặt đất một cách chậm rãi là người đa cảm, dễ hờn, dễ giận, nhưng cũng dễ dỗ dành và rất chóng nguôi ngoai. Đi mà lưng thẳng với những bước chân đều đặn hướng tới trước, thân người tới sau, là người có biệt tài nào đó, có tính cương nghị, nhiều thành công và là chỗ dựa đáng tin cậy cho người bạn trăm năm của mình. Đi là vậy, mà “đứng” cũng có tướng riêng. Nếu không đứng hiên ngang “quân tử” như dáng cây trúc thì cũng đừng cong lưng mềm quá như cây liễu. Còn ở khoảng “trung đạo” với dáng đứng như cây thông của Nguyễn Công Trứ cũng là khó lắm: “làm cây thông đứng giữa trời mà reo”!. Tướng “ngồi” không yên với cái đầu chốc chốc lắc qua lắc lại là người làm ăn khó nên nổi, tiền bạc hao hụt, nên làm lành tu phước để hóa giải. Người ngồi nghiêng qua một bên, khi bên trái, lúc nghiêng bên mặt (dầu không bị tật) đó là tướng của người không được may mắn, thường gặp đổ vỡ trong hôn nhân và bất lợi trong công việc kinh doanh mua bán. Người ngồi vững như bức vách, như trái núi, đứng lên có dáng thẳng người, điềm tĩnh, đi nhẹ nhàng thoải mái, là người có phong thái sang cả, tướng quý. Cười nói, ăn nằm cũng có quý tướng và phúc tướng! Cái cười của Hoạn Thư trong truyện Kiều là một “tướng dữ” mà Nguyễn Du ghi nhận: ngoài thì “thơn thớt nói cười” nhưng trong lòng “nham hiểm giết người không dao”. Cười chỉ “động nhẹ khóe môi” (không cất rõ tiếng) mà vai và lưng người ấy lại rung chuyển là tướng của người nhiều toan tính, ngầm “mưu sự” bên trong, dễ dẫn đến thành công cho mình, nhưng lạnh lùng trước những tổn thất xảy đến cho chính bạn đồng hành với họ.
Ngược lại, người có giọng cười sảng khoái, vang vang, thân mình rung động không ngớt - là người rộng lượng, tự tin, biết chia sớt lợi lộc của mình cho các bạn đồng hành hoặc cộng sự. Còn cười tuy thành tiếng nhưng tiếng cười không chịu thoát ra khỏi cổ một cách thông thoáng thoải mái mà như bị “nghẹn” lại bên trong (có thanh mà không có vận) là người mang mâu thuẫn nội tâm, muốn chinh phục người khác nhưng lại e ngại và không thích giao du, nên dễ rơi vào trầm cảm. Bây giờ về tướng “nói” -vốncũng là đối tượng xem xét của nhân tướng học. Đang nói chuyện không chịu nhìn trực diện vào người đang đối thoại với mình, mà nhìn nghiêng nhìn xéo là tướng của người không được công minh, thiếu ngay thẳng. Khi nói hai bàn tay có thói quen xoa vào nhau, hoặc hai tay khoa lên khoa xuống không đúng lúc là tướng của người không thật lòng, đa nghi và rất khó hợp tác. Khi nói thường ngó trước dòm sau, hoặc nhìn qua phải qua trái một cách vô cớ, là người có mưu mô đang giấu kín. “Ăn” cũng thành… “tướng”! Thật vậy, người có phong cách ăn uống gọn gàng nhanh chóng nhưng không ăn ngồm ngoàm, ăn lấy ăn để không kịp thở là một trong những tướng quý. Cũng vậy, người ăn chậm nhưng không rề rà, mà ăn khoan thai một cách tự nhiên, không làm ra vẻ chậm quá mới là tốt. Nếu người ăn ngồi không ngay ngắn, thức ăn nhai trong miệng rồi, lại đưa ra đầu lưỡi, vừa ăn vừa nhìn quanh quất là tướng người bần tiện. “Nằm” cũng có quý tướng và phúc tướng. Quý tướng là người nằm có dáng thanh thoát như rồng, mắt nhắm, môi ngập, nhưng lộ thần sắc tươi hồng trên gương mặt. Phúc tướng là người nằm ngủ thường hay nằm nghiêng về bên phải, hai chân duỗi ra thư thả, tay trái đặt theo thân mình, tay phải đưa lên trong tư thế đỡ lấy khuôn mặt, hai môi vẫn hồng khi ngủ say - đó còn là tướng của người trường thọ, thông minh. Trái lại người ngủ nhưng hai mắt vẫn mở to, nhìn thấy được con ngươi đen bất động trong tròng mắt là tướng chết bất đắc kỳ tử, có thể bị tử nạn bất ngờ trong lúc xa nhà. Tướng người ngủ với miệng mở ra lộ cả hàm răng, thỉnh thoảng lại nghiến răng kèn kẹt trong đêm tối, là tướng sẽ chết vì gươm đao hoặc súng đạn. Nằm ngủ mà không ngửa người ra theo lẽ bình thường, lại hay úp mặt xuống chiếu là tướng suy tàn, túng thiếu, có thể qua đời vì bạo bệnh hoặc thiếu đói. Nằm ngủ mà thỉnh thoảng mở miệng nói huyên thuyên đủ chuyện, nhưng là những chuyện không có đầu có đuôi tựa như người mê sảng là tướng làm tôi tớ, nếu có chút hư danh lợi lạc nào đó, đến cuối đời vẫn phải chịu hư hao mất mát…
Vài điều kiêng kị khi “đi - đứng - ăn - nằm”: Dựa vào những điều kiêng kỵ trong phong tục dân gian và các phép tắc lễ nghi phổ biến trong xã hội xưa đến nay - chúng tôi nêu ra vài điều kiêng kỵ cần biết: - Đi về nhà chồng (trong lễ cưới), cô dâu không được ngoái đầu lại. - Đi vào đình chùa kiêng kỵ bận quần đùi hoặc ở trần vì là chỗ tôn nghiêm. Người ta tin rằng những chỗ thờ Phật và các vị thần linh đều có hộ pháp (như Kim Cang thần) cầm chùy bảo vệ canh giữ, sẽ trừng phạt những ai quấy phá, ăn bận lố lăng. Đi vào chùa thẳng tuột mà không đứng lại chắp tay vái chào hộ pháp hai bên cổng chính, hoặc hai bên chánh điện cũng là điều thất lễ, phải tránh.
- Đứng trước miếu vào giữa trưa đứng bóng (giờ Ngọ), kiêng kỵ chỉ trỏ, đùa giỡn, la hét ồn ào, sợ kẻ “khuất mặt khuất mày” quở trách. - Ăn cơm lúc trời chạng vạng tối kiêng kỵ ngồi quay lưng vào ngọn đèn mà ăn, vì như thế bóng mình sẽ che tối mâm cơm, ông bà xưa bảo cách ăn như thế là “ăn bóng” không tốt. - Kỵ không được đun nấu hoặc chế biến nhân sâm bằng nồi chảo bằng đồng hoặc các chất liệu kim loại khác (thường đun nhân sâm bằng than củi và nồi đất). - Nằm hết sức kiêng cử việc chụp ảnh khi đang ngủ. Người ngoài đến thăm thấy gia chủ đang nằm ngủ không nên chụp hình vì đó là tư thế gần với hình ảnh của người đang “yên giấc ngàn thu”. Điều này càng tuyệt đối cấm kỵ trong những dịp sinh nhật, kỵ giỗ, hoặc tết nhất. - Đặc biệt rất kiêng kỵ khi trên đầu giường có xà ngang ép đỉnh. Gặp trường hợp này phải tìm cách xê dịch thế nào cho đầu giường tránh khỏi thế “ép xuống” của xà ngang (gọi là Huyền trâm sát). - Nằm cũng phải xem vị trí đặt giường sao cho tốt. Kiêng kỵ treo ảnh cưới bên phải của giường ngủ (vị thế Bạch Hổ) mà nên treo bên trái của giường (vị thế Thanh Long) mới tốt. - Theo quan niệm phong thủy khá phổ biến trong dân gian, rất kỵ việc đặt gương nhỏ, gương lớn chiếu thẳng vào đầu giường. Vì những phản xạ do ánh sáng phát ra từ gương gây ảnh hưởng đến người đang ngủ, nhất là nếu nó chiếu thẳng vào mặt, vào mũi sẽ có tác dụng xấu đến các giấc mơ hoặc gây những xáo trộn bất ngờ trong giấc ngủ. Bài: Tây Tạng - Ảnh: Nguyên Trương, Tư liệu Nguồn: baomoi.com |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét